
Khi giày đá bóng cũ bị hỏng (rách, bung đế…), bạn không nhất thiết phải bỏ nhiều tiền mua giày mới mà chỉ cần bỏ ra một ít tiền để sửa giày. Như vậy, bạn vừa tiết kiệm chi phí cho bản thân, vừa góp phần bảo vệ môi trường khi hạn chế rác thải ra.
Mặt khác, đôi khi, có những đôi giày khiến chúng ta muốn gắn bó mãi dù đã tàn tạ như thế nào, vì nó gợi nhớ nhiều kỷ niệm đẹp, chẳng hạn như đôi giày này của tuyển thủ Anh – Jack Grealish.

Tất nhiên, sẽ có những trường hợp giày hỏng quá nặng, gần như không thể sửa được nữa. Nhưng với những trường hợp thông thường, bạn có thể sửa lại giày nhiều hơn một lần và đi nó trong quãng thời gian rất lâu.
Chẳng hạn, đây là 2 đôi giày futsal của bố mình (màu tím) và mình (màu hồng). Cả 2 đôi đều đã được khâu đế, đắp vỏ nhiều lần, tính đến nay chúng đã được sử dụng từ 6 – 8 năm và đến thời điểm hiện tại vẫn có thể tiếp tục sử dụng.

Dưới đây là 2 địa chỉ sửa giày mà mình đã từng mang giày đến khâu đế, đắp vỏ ngoài. Chỉ cần bỏ ra từ vài chục đến hơn một trăm ngàn là bạn đã có thể sửa lại chiếc/đôi giày của mình rồi.
1/ Sáng Sport (Quận Phú Nhuận)
– Địa chỉ: 175A Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 8.

– Chú chủ tiệm khoảng ngoài 50 tuổi, đã có kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề sửa giày. Mình nghe chú kể đã theo bố chú học nghề từ khi mới 7 tuổi.

2/ Chú Nguyễn Văn Quá (Quận 1)
– Địa chỉ: Gốc cây trước tòa nhà Bitexco, kế bên tiệm bánh mì Như Lan (đầu đường Hồ Tùng Mậu giao với Hàm Nghi).

– Chú được gọi là “Dương Quá của cầu thủ Việt” vì đã từng sửa giày cho rất nhiều tuyển thủ quốc gia.

Dưới đây là những giới thiệu về chú trên báo Người Lao Động:
Ông Quá tâm sự: “Hơn 21 năm qua, tiệm giày của tôi chỉ là khoảng trống ở gốc cây ngay sát tiệm bánh Như Lan nhưng đã nhận sửa giày cho biết bao thế hệ cầu thủ Việt Nam. Từ thời chú Phạm Huỳnh Tam Lang cho đến thế hệ Huỳnh Đức, Hồng Sơn rồi sau này là Minh Phương, Việt Thắng…, họ đều là khách hàng ruột của tôi”.
Không những sửa giày đẹp và bền, ông Quá còn khiến khách hàng của mình cảm thấy thú vị vì phong cách làm việc rất độc đáo, không khác gì nhân viên văn phòng. Ngoài chủ nhật nghỉ ngơi, các ngày còn lại trong tuần, ông chỉ làm việc theo giờ hành chính: sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Những ngày trời mưa, ông dọn đồ nghỉ.