
Dù có nhỏ bé đến đâu, dù gặp một đối thủ lớn đến mức nào, một đội bóng luôn cần nghĩ về khả năng giành chiến thắng mỗi khi bước ra sân.
Trong trận hòa 1 – 1 giữa Việt Nam (hạng 39 thế giới) và Cộng Hòa Séc (hạng 17) ở lượt cuối vòng bảng Futsal World Cup 2021, chúng ta có thể đã bị ghi bàn ngay từ phút đầu tiên:

Chúng ta cũng có thể đã bị thua ở những giây cuối cùng:

Chúng ta cũng bị đối thủ sút trúng cột dọc:

Và nhiều tình huống khác để họ dứt điểm nguy hiểm trước cầu môn:



Nhưng xen giữa những khoảnh khắc đó, chúng ta cũng đã có những cơ hội để ghi nhiều hơn 1 bàn, trước cả khi mở tỷ số:





Ngay sau khi mở tỷ số, chúng ta để thua từ tình huống sai sót cá nhân:

Trong pha bóng trên, Đức Hòa đã chọn giải pháp khó là chuyền sệt lên cho Minh Trí nhưng lại không kịp quan sát đối thủ di chuyển, để rồi bị họ bắt bài.
Sai sót là sai sót, và cần được khắc phục để không tái diễn. Đó là chuyện không phải bàn cãi.
Nhưng sai sót ấy đến từ một tình huống muốn đá lên trên, trong thế đang dẫn bàn. Trên quan điểm cá nhân, mình thích tư tưởng “đá lên” ấy. Vì muốn phát triển lên cao, chúng ta cần chủ động nhìn về trước để tạo ra thêm thành quả, chứ không chỉ khư khư nắm giữ những gì đã có một cách thụ động.
Trong bàn thắng trước đó của Châu Đoàn Phát, khi tỷ số đang là hòa, nghĩa là chúng ta vẫn đang nắm lợi thế trong tay, cầu thủ trẻ năm nay chỉ mới 22 tuổi cũng đầy tự tin nhìn lên, đi bóng xỏ háng cầu thủ to cao bên phía đội bạn ở giữa sân và ngay lập tức tung ra cú sút.

Thực tế, sút bóng không hẳn là một quyết định hợp lý do khoảng cách đến cầu môn là là rất xa, trong khi Minh Trí đang lao lên ở vị trí rất tốt bên cánh đối diện. Nhưng cuối cùng thì sự táo bạo, dám nghĩ dám làm của Đoàn Phát đã mang về cho em phần thưởng xứng đáng.
Việt Nam bước vào trận đấu với tư thế là đội có nhiều khả năng bị loại hơn Séc, nhưng ở thời điểm Đức Hòa tung ra đường chuyền hỏng, nếu chúng ta ghi thêm 1 bàn thì Séc mới là đội sẽ bị loại. Đây là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, chỉ tính riêng trong trận đấu ngày hôm đó nếu dựa vào số cơ hội mà chúng ta có được, như bạn đã thấy ở phần trên.
Hãy xem lại một tình huống khác trong trận Việt Nam gặp Ý tại World Cup 2016. Vẫn là Đức Hòa, nhận bóng trong tư thế khó sát biên, anh không ngại lao lên, tranh chấp quyết liệt với đối thủ để rồi tung ra một cú sút hiểm hóc đưa bóng đi trúng cột dọc:
Đó là tư tưởng tiến về phía trước, không một chút e ngại đối thủ đẳng cấp hơn, để suýt nữa có được thành quả là một bàn thắng. Có thể chúng ta sẽ chưa làm được tốt, có thể sẽ xuất hiện nhiều lỗi sai, như cách Đức Hòa đã chuyền sai hôm trước. Nhưng nếu muốn tiến bộ, khó có thể chỉ nhìn về mà không nhìn lên.
Như cách mà một Văn Hiếu nhỏ bé trông như một “cậu học sinh” (từ nguyên văn trên website FIFA) đầy tự tin đi bóng từ giữa sân, chiến thắng 3 người to cao hơn mình, thậm chí khiến 2 người trong đó ngã sóng soài rồi ghi bàn từ góc rất hẹp trong tư thế đã ngã:
Quay lại với trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở vòng 16 đội Futsal World Cup 2021.
Việt Nam dĩ nhiên vẫn là đội yếu hơn nhiều so với hầu hết các đội tại vòng đấu này, trong đó bao gồm đối thủ của chúng ta tối nay: đội tuyển Nga – á quân World Cup 2016 và đã thắng chúng ta 7 bàn không gỡ ở giải đấu năm đó.
Năm 2014, Việt Nam thua Brazil 1 – 8 trong một trận giao hữu. Năm 2021, đá chính thức thì chúng ta thua 1 – 9. Nga thì ghi 17 bàn chỉ trong 3 trận vòng bảng, tức số bàn thắng trung bình mỗi trận của họ cũng đã hơn tổng số bàn thắng của Việt Nam.
Sau 5 – 7 năm, giữa Nga (á quân World Cup) và Việt Nam, giữa Brazil (vô địch World Cup nhiều nhất) và Việt Nam vẫn là một khoảng cách rất xa:

Như vậy, từ vị thế một đội bóng yếu hơn nhiều đến một đội bóng “yếu hơn không nhiều”, hay gần ngang tầm, rồi ngang tầm là một chặng đường rất dài, tính bằng nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm.
Nhưng con đường nâng tầm vị thế không thể bắt đầu nếu như chúng ta không có tư tưởng tiến lên phía trước bằng việc dám đặt ra câu hỏi: “Tại sao phải hạn chế bàn thua hay cố gắng cầm hòa, trong khi chúng ta có thể giành chiến thắng?”
Để mình đưa ra nhiều hơn một ví dụ minh họa đầy sống động.
Ở World Cup năm nay, Ai Cập (hạng 32 thế giới, tức là chỉ hơn Việt Nam 7 bậc) thua Nga 0 – 9, thua Uzbekistan 1 – 2, xếp chót bảng B và dĩ nhiên bị loại sau vòng bảng:

Quay ngược lại World Cup 2012, Ai Cập vượt qua vòng bảng chỉ với 3 điểm (trùng hợp thật, 3 điểm này có được từ trận thắng Séc), là 1 trong 4 đội hạng ba có thành tích tốt nhất. Ở vòng 16 đội, họ gặp Ý (hiện nay đứng hạng 8 thế giới) và thua đậm 1 – 5:

Tua đến 4 năm sau, tại World Cup 2016, trước giải, Ai Cập và Việt Nam đá giao hữu 2 trận, kết quả là Ai Cập thắng 4 – 1 và hòa 3 – 3. Kết thúc vòng bảng, Ai Cập cũng vào vòng 16 đội với tư cách 1 trong 4 đội hạng ba có thành tích tốt nhất giống Việt Nam sau khi thua Nga 1 – 6 và thua Thái Lan 1 – 2:

Đó là Ai Cập đá giao hữu hòa Việt Nam, đá thật thua Thái Lan, ở vòng 16 đội World Cup 2012 thua Ý 1 – 5. Ấy thế mà vẫn Ai Cập ấy lại thắng Ý 4 – 3 khi tái ngộ ở vòng 16 đội World Cup 2016. Mà Ý là đội hạng ba World Cup 2012. Trong 3 kỳ Euro từ 2012 – 2016, Ý một lần vô địch, một lần hạng ba.

Thậm chí, Ý luôn ở trong tư thế phải rượt đuổi tỷ số, còn Ai Cập mới là đội luôn vượt lên dẫn trước rồi kết liễu Ý trong hiệp phụ.
Trước khi bước vào vòng 16 đội, Ý toàn thắng, đứng đầu vòng bảng. Bại trận trước Ý có Paraguay. Paraguay thắng Việt Nam 7 – 1 và chỉ thua Iran vào những phút cuối hiệp phụ thứ hai ở tứ kết. Iran là đội đã thắng cả Brazil lẫn Bồ Đào Nha năm ấy để giành huy chương đồng.
Nói dông dài như vậy để thấy, việc Ai Cập thắng Ý năm 2016 là chuyện khó tin đến thế nào. Sau khi bất ngờ vượt qua Ý, Ai Cập đã thua đậm Argentina 0 – 5 ở vòng tứ kết.
Cũng trong năm 2016, tại tứ kết giải châu Á, dù liên tục bị dẫn trước, Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản trên chấm phạt đền sau khi rượt đuổi đối thủ từ 2 hiệp chính sang tận 2 hiệp phụ để giành vé chính thức dự World Cup:

Tuy không sốc bằng việc Ai Cập thắng Ý, đây vẫn là một chiến thắng khiến anh Quốc Khánh – biên tập viên của VTV ngẫu hứng cho ra lò một câu nói bất hủ: “Đi World Cup trong futsal dễ hơn đi World Cup trong football, nhưng thắng Nhật trong futsal khó hơn thắng Nhật trong football”.
Còn bình luận viên đài Fox Sport phải thốt lên những từ ngữ mỹ miều sau:
“Cú sốc lớn nhất trong lịch sử giải đấu. Việt Nam đã loại nhà vô địch. Bạn phải khen Việt Nam vì họ đã làm rất tốt. Chưa đội nào từng chiến đấu với khoảng cách 35 bậc trên bảng xếp hạng như họ. Đội bóng thứ 9 thế giới trở nên bình thường trước đội thứ 44. Đây là câu chuyện cổ tích không thể tin nổi. Và tôi phải nói rằng, họ xứng đáng”.
Bạn có thể xem lại khoảnh khắc đầy tự hào ấy ngay dưới đây:
Có thể ở vòng 16 đội kỳ World Cup năm nay, các đội được đánh giá yếu hơn sẽ thua, trong đó bao gồm Việt Nam.
Nhưng ít nhất, chúng ta cần bước vào sân với tư thế muốn giành chiến thắng. Có làm được hay không là chuyện khác, nhưng ít nhất phải mong muốn đã.
Nếu 5 năm trước, Việt Nam và Ai Cập bước ra sân mà không muốn thắng, thì futsal châu Á và World Cup làm gì đã có 2 bất ngờ thú vị đến như vậy!