Futsal Kazakhstan mạnh nhờ nhập tịch cầu thủ gốc Brazil. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Do bóng đá là môn thể thao tập thể, nhiều cầu thủ giỏi chưa chắc đã tạo thành một đội bóng mạnh, huống hồ chỉ là một số ít các cá nhân.

Trong bóng đá 11 người, chúng ta không thể chỉ lấy Donnarumma trấn giữ khung thành, Van Dijk cho vị trí hậu vệ, De Bruyne đá tiền vệ và Ronaldo chơi tiền đạo rồi nhét đại 7 người có trình độ trung bình vào các vị trí còn lại để có một đội hình chiến thắng ở các giải đấu lớn.
Tương tự như vậy, trong đội hình tuyển futsal Kazakhstan vừa đứng thứ tư tại World Cup 2021 có 3 cầu thủ gốc Brazil, bao gồm 1 thủ môn. Trừ vị trí thủ môn luôn chơi hết trận nếu không bị thẻ phạt/chấn thương, 2 người kia không phải lúc nào cũng hiện diện trên sân dù có khỏe tới đâu.
Đấy là chưa kể họ cũng có lúc mệt vì phải đá nhiều hơn, như tình huống mà Douglas Junior (1 trong 3 cầu thủ trụ cột gốc Brazil của Kazakhstan) không kịp lao ra phá bóng trong bàn gỡ 2 – 2 của Bồ Đào Nha ở những phút cuối hiệp phụ thứ hai trận bán kết:
Video: Bàn gỡ hòa 2 – 2 của Bồ Đào Nha trong trận bán kết gặp Kazakhstan
Taynan, 1 trụ cột gốc Brazil khác cũng có 2 khoảnh khắc mắc lỗi không đáng có dẫn đến “biếu không” cho Brazil 2 bàn trong trận tranh hạng ba:
Video: 2 tình huống Taynan “tặng” bàn thắng cho Brazil
Vậy thì nếu phần còn lại, tức dàn cầu thủ bản địa không đủ chất lượng, 3 anh chàng gốc Brazil có tài thánh cũng không gánh được cả đội ở một môn thể thao mà chênh lệch đẳng cấp gần như định đoạt kết quả như futsal, mà nếu có thì cũng khó gánh đến mức đưa Kazakhstan vào top 4 World Cup sau 2 kỳ Euro liên tiếp cũng vào top 4, trong đó có 1 lần đứng thứ ba.
Từ khởi đầu như người châu Á dù không hẳn là dân gốc Á
Là quốc gia tách ra từ Liên Xô cũ, Kazakhstan ban đầu thi đấu tại châu Á. Vào các năm 1999 – 2000 – 2001, họ tham dự giải futsal châu Á với thành tích một lần hạng nhì (thua Iran ở chung kết), một lần hạng ba, lần cuối chỉ vào đến tứ kết. Đến năm 2002, Kazakhstan mới gia nhập hệ thống thi đấu của châu Âu.
Theo Wikipedia, dưới đây là thành tích thi đấu (không tính đá phạt đền) trong 3 năm tham dự giải futsal châu Á của đội tuyển Kazakhstan. Dựa trên kết quả này thì ngày ấy, họ không khác nhiều so với Nhật Bản, Thái Lan hay Uzbekistan bây giờ – có thể nhỉnh hơn nhiều đội, ngang ngửa vài đội ở châu Á nhưng tất cả đều xếp dưới Iran:
1999 | ||
Kazakhstan | 3 – 2 | Uzbekistan |
Kazakhstan | 11 – 4 | Malaysia |
Kazakhstan | 1 – 4 | Nhật Bản |
Kazakhstan | 3 – 8 | Hàn Quốc |
Kazakhstan | 2 – 2 | Nhật Bản |
2000 | ||
Kazakhstan | 3 – 3 | Hàn Quốc |
Kazakhstan | 4 – 3 | Thái Lan |
Kazakhstan | 19 – 0 | Singapore |
Kazakhstan | 9 – 6 | Nhật Bản |
Kazakhstan | 1 – 4 | Iran |
2001 | ||
Kazakhstan | 4 – 0 | Kuwait |
Kazakhstan | 4 – 2 | Malaysia |
Kazakhstan | 11 – 2 | Tajikistan |
Kazakhstan | 2 – 2 | Uzbekistan |
Kazakhstan | 2 – 2 | Nhật Bản |
Trước trận thua 1 – 4 tại chung kết giải châu Á năm 2000, Kazakhstan còn thua Iran 2 trận với tỷ số 2 – 14 vào năm 1996 và 4 – 7 vào năm 1998.
Hành trình tại châu Âu cũng bắt đầu theo cách rất bình thường
Gia nhập châu Âu từ năm 2002 nhưng đến trước năm 2016, Kazakhstan vẫn chưa thể góp mặt tại vòng chung kết Euro. Không tính thời gian đầu sau khi chuyển châu lục chưa tham dự vòng loại, trừ những trận thua trước 2 đội hàng đầu là Nga hay Tây Ban Nha, họ từng không thắng được các đội ít danh tiếng như Moldova, Slovakia (năm 2010) hay Romania (2014).


Tại vòng loại World Cup 2012, họ cũng không thắng được Latvia hay Hungary:

Mãi đến năm 2016, Kazakhstan mới giành quyền tham dự vòng chung kết Euro. Tuy nhiên, hành trình vượt qua vòng loại của họ năm đó rất đặc biệt khi dù tiếp tục thua Romania, đội bóng này lại thắng Bồ Đào Nha có siêu sao Ricardinho đang ở đỉnh cao phong độ dù bị dẫn trước và lúc bấy giờ đội hình mới chỉ bổ sung 2 cầu thủ nhập tịch.

Đến các thế hệ đánh bại nhiều “ông lớn” ở châu Âu lẫn thế giới
Cuối năm 2015, Douglas chính thức khoác áo đội tuyển Kazakhstan, kết hợp cùng Higuita và Leo tạo thành bộ ba Brazil nhập tịch bao gồm 1 thủ môn + 2 cầu thủ. Kể từ đó, Kazakhstan luôn trung thành với công thức “1 GK + 2” này tại các vòng chung kết Euro hay World Cup và chỉ dùng thêm một ngoại binh ở một số trận đấu tại vòng loại hoặc trận/giải giao hữu.
Tất nhiên, ngoại binh Brazil đẳng cấp giúp Kazakhstan mạnh lên nhưng như đã nêu ở đầu bài viết, chỉ 2 – 3 người giỏi không thể gánh cả một đội bóng, nhất là khi không phải lúc nào họ cũng đứng trên sân.

Do số cầu thủ nhập tịch được sử dụng chỉ là 2 – 3 người (không tính thủ môn Higuita) và với yêu cầu tối thiểu thông thường cho một đội bóng là 2 tổ (tương đương 8 người), Kazakhstan luôn cần ít nhất 5 – 6 cầu thủ bản địa chất lượng trong đội hình có thể thi đấu. Trong trường hợp họ đá với 2,5 hoặc 3 tổ như Việt Nam, con số này sẽ phải tăng lên.
Bằng một cách nào đó (sẽ được giải thích ở bài viết sau), họ đã và đang duy trì được thành tích cũng như sự kế thừa trong 5 năm qua khi thay thế dần nhóm cầu thủ sinh năm 1987, 1984, 1983 và 1981 (tức tham dự Euro 2016 ở tuổi 29, 32, 33 và 35) bằng những người trẻ hơn mà vẫn đảm bảo sức mạnh của đội tuyển.
Dưới đây là đội hình Kazakhstan đạt hạng ba Euro vào tháng 2/2016 với 3 cầu thủ nhập tịch và độ tuổi trung bình (không tính thủ môn) là 28,5:

Đến tháng 9/2021, trong đội hình đứng thứ tư World Cup (ảnh dưới) thì chỉ 3 cầu thủ bản địa (khoanh tròn đỏ) còn sót lại từ Euro 2016, trong khi số cầu thủ nhập tịch vẫn là 3 và độ tuổi trung bình (không tính thủ môn) thậm chí lại giảm nhẹ còn 27:

Tính riêng nhóm 6 cầu thủ bản địa thường kết hợp cùng 2 ngoại binh tạo thành 2 tổ đấu thì độ tuổi trung bình cũng không khác biệt nhiều: 27,8 (trong đó có 2 người trên 30 tuổi).
Như vậy, nếu không có gì bất thường, Kazakhstan còn ít nhất 1 tổ người bản địa có thể đạt đỉnh cao phong độ khi bước vào World Cup 2024. Đồng thời, họ vẫn đang tiếp tục bồi dưỡng thế hệ kế cận với 2 cầu thủ 22 tuổi và 24 tuổi trong danh sách tham dự giải năm nay.
Ngoài ra, trong số những người ít hoặc không được sử dụng mùa này còn có 2 người 26 tuổi và 29 tuổi đang chơi lần lượt tại giải hạng nhì và hạng nhất của Nga.

Xét về thành tích đối đầu các đội mạnh ở các giải đấu lớn (chỉ tính hiệp chính và hiệp phụ, không tính đá phạt đền), Kazakhstan đã từng:
- Vòng loại + VCK Euro 2016: Thắng Bồ Đào Nha, thắng Ý, chung cuộc đứng thứ ba.
- VCK Euro 2018: Hòa Nga, hòa Tây Ban Nha, chung cuộc đứng thứ tư.
- World Cup 2021: Thắng Iran, hòa Bồ Đào Nha, chung cuộc đứng thứ tư.

Ảnh trên là chiến thắng 5 – 2 của Kazakhstan trước Ý tại tứ kết Euro 2016. Cầu thủ nhập tịch vẫn đóng vai trò quan trọng với 2 bàn thắng nhưng 3 bàn còn lại được ghi bởi 3 người bản địa, trong đó 1 người hiện nay không còn khoác áo đội tuyển. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng không kém của người bản địa cũng như sự chuyển giao thế hệ mà Kazakhstan đã xây dựng được.
Đồng thời, ở các trận đấu thuộc vòng nốc ao tại Euro 2016 và 2018, họ còn có 2 lần thắng Serbia (hạng 17 trên bảng xếp hạng thế giới) – đội bóng đã gây khó cho cả Argentina, Iran lẫn Bồ Đào Nha tại World Cup năm nay (Iran chỉ thắng sát nút, Argentina liên tục bị dẫn trước, Bồ Đào Nha phải đá thêm 2 hiệp phụ mới vượt qua Serbia ở vòng 16 đội):

Họ cũng đều đặn vượt qua các đội bóng thuộc top 20 thế giới như Croatia (hạng 9) hay Cộng Hòa Séc (hạng 16, thắng 2 lần):

Những kết quả trên cho thấy, đội tuyển futsal Kazakhstan thi đấu ổn định qua các giải lớn trong nhiều năm với thành phần được thay đổi dần qua từng năm và chỉ sử dụng cầu thủ gốc Brazil có giới hạn nên khó có thể nói thành công của họ là mang tính nhất thời hay chỉ dựa vào nhập tịch cầu thủ.
Sự kết hợp tuyệt vời giữa nội binh và ngoại binh
Ở World Cup 2021, Kazakhstan ghi được tổng cộng 24 bàn thắng thì rất tình cờ, số bàn ghi bởi nhóm nhập tịch và nhóm bản địa là bằng nhau, mỗi bên 11 bàn (2 bàn còn lại là do đối thủ đá phản và cũng thật trùng hợp, 2 cú sút dẫn đến tình huống đá phản cũng được thực hiện bởi 1 người nhập tịch và 1 người bản địa).
Nếu chỉ tính riêng số bàn thắng ở vòng loại trực tiếp, thật ngẫu nhiên là cán cân nội – ngoại vẫn tiếp tục cân bằng: mỗi bên ghi 5 bàn. Dưới đây là clip một số bàn thắng mà nhóm nội binh ghi được:
Có thể thấy, với việc đóng góp vào một nửa số bàn thắng dù chỉ chiếm hơn 1/3 quân số trong đội hình thường thi đấu, tầm quan trọng của những cầu thủ Brazil nhập tịch đẳng cấp như Higuita, Douglas hay Taynan là không phải bàn cãi.
Tuy nhiên, bản thân các cầu thủ gốc Kazakhstan phải thật sự có chuyên môn tốt cùng bản lĩnh cao để kết hợp cùng các cầu thủ gốc Brazil tạo thành một tập thể mạnh thì đội tuyển Kazakhstan mới có ngày hôm nay.

Trận tứ kết World Cup 2021 là ví dụ rõ nét nhất về sự kết hợp hoàn hảo giữa nội binh và ngoại binh trong đội hình của Kazakhstan:
- Ở bàn thắng quyết định nâng tỷ số lên 3 – 2, 2 cầu thủ nhập tịch chuyền bóng cho nhau (Douglas chuyền phạt góc, Taynan dứt điểm).
- Ở bàn gỡ hòa 2 – 2, vẫn là Douglas chuyền từ quả phạt trực tiếp nhưng người dứt điểm từ cự ly hơn 10m là một cầu thủ bản địa.
- Ở bàn gỡ 1 – 2, Taynan khởi đầu, Douglas kiến tạo và người dứt điểm cuối cùng là một cầu thủ bản địa khác.
Đến trận bán kết gặp Bồ Đào Nha, lúc bàn thắng “hụt” đầu trận được ghi (bị từ chối sau khi trọng tài xem video), cả 4 cầu thủ trên sân của Kazakhstan (ảnh dưới) đều là người bản địa:

Đây là clip bàn thắng vừa được đề cập. Một tình huống xử lý nhanh, gọn và có độ chính xác rất cao của nhóm cầu thủ bản địa Kazakhstan:
Bên cạnh đó, Kazakhstan cũng không phải là nước có nền bóng đá phát triển. Đội tuyển bóng đá 11 người Kazakhstan chưa từng tham dự World Cup hay Euro. Ở Nations League 2020 – 2021, dù chỉ đá ở League C, họ vẫn đứng bét bảng với chỉ 1 trận thắng và 1 trận hòa, còn lại là 4 trận thua trước những đội tầm trung tại châu Âu:

So sánh như vậy là vì trong top 10 đội đứng đầu bảng xếp hạng futsal thế giới, chỉ có duy nhất Kazakhtan là có thứ hạng rất thấp (ngoài 100) trên bảng xếp hạng football. 5/10 đội top 10 ở futsal cũng nằm trong top 10 ở football. Trong 5 đội còn lại, thứ hạng của một đội football thấp nhất là hạng 35 của Paraguay, trong khi hạng football của Kazakhstan là 120 (tính đến tháng 9/2021).

Với xuất phát điểm không khác nhiều so với người châu Á, người Kazakhtan đã cho cả thế giới thấy rằng họ có thể tiến xa như thế nào ở môn futsal.
Đội tuyển châu Á nào có thể tiếp bước Kazakhstan?
Bài viết này tạm thời không đề cập đến đội bóng số 1 ở châu Á là Iran. Chưa biết tương lai sẽ như thế nào vì những nền bóng đá lớn đôi khi cũng phải trải qua giai đoạn khủng hoảng sau chuyển giao thế hệ vì không xuất hiện/không tìm thấy/không đào tạo được thêm người tài nhưng hiện tại Iran đã ở tầm hàng đầu thế giới do sở hữu dàn cầu thủ quá khác biệt phần còn lại.
Chẳng hạn, rất hiếm cầu thủ nào ở châu Á có thể dứt điểm kiểu này như Tayebi của Iran (vì thế anh là người châu Á hiếm hoi được đá bán kết và chung kết cúp C1 châu Âu):
Bàn thắng của Tayebi trong trận Iran thắng Brazil tại vòng 16 đội World Cup 2016.
Vậy trừ Iran, tương lai phía trước các nền futsal vừa tham dự World Cup 2021 là như thế nào?
Từ năm 2016, Uzbekistan (một quốc gia khác cũng tách ra từ Liên Xô cũ) đã cho thấy những dấu hiệu của một đội bóng khó chơi hơn. Tại chung kết giải châu Á năm đó, họ chỉ thua sát nút Iran 1 – 2 sau khi đã dẫn trước.
Bước vào kỳ World Cup cùng năm, họ liên tục dẫn trước Colombia (từng đứng thứ tư World Cup 2012) 2 bàn cách biệt, chỉ bị gỡ hòa vào những giây cuối cùng:

Đến World Cup 2021, Uzbekistan xuất sắc gỡ hòa 2 – 2 dù bị Nga dẫn trước 2 – 0 trong hiệp một và chỉ chịu thua ở 5 phút cuối:

Tuổi trung bình của đội tuyển Uzbekistan (không tính thủ môn) tại World Cup 2021 là 25,3, trong đó chỉ có 1 người trên 28 tuổi. Ở trận tứ kết thua Iran sát nút 8 – 9, xét về số cơ hội, Uzbekistan ngang ngửa với đối thủ nhưng họ luôn ở trong thế phải tìm bàn gỡ. Khi đá 5, họ cũng hay mắc lỗi mất bóng để rồi bị sút vào khung thành trống.
Từ đó có thể thấy, tuy Uzbekistan chơi hay nhưng dường như họ chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để kết thúc tình huống tấn công với hiệu suất cao cũng như hạn chế sai lầm cá nhân. Trong một vài năm tới, nếu được đá nhiều trận đấu quốc tế chất lượng, dàn cầu thủ hiện tại của Uzbekistan hứa hẹn có thể trưởng thành hơn nữa.

Thái Lan cũng đã có màn thể hiện xuất sắc trong 3 kỳ World Cup gần nhất khi đều lọt vào vòng 16 đội và chỉ thua các đội bóng trong top 10 như Ukraine, Paraguay hay Nga từ 1 đến 2 bàn cách biệt. Ở World Cup 2016, họ nhiều lần dẫn trước một đội mạnh của châu Âu là Azerbaijan và chỉ thua trong hiệp phụ. Đến World Cup 2021, họ còn dẫn trước nhà vô địch Bồ Đào Nha.
Với một nền futsal phát triển hàng đầu ở châu Á dựa trên nền tảng giải VĐQG chất lượng khi có nhiều ngoại binh giỏi góp mặt, Thái Lan có cơ sở để kỳ vọng về việc nâng tầm đẳng cấp trên đấu trường thế giới.

Trên lý thuyết, Nhật Bản là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi nhất để nối tiếp Iran cùng Kazakhstan gia nhập tốp đầu của futsal thế giới. Họ có một giải vô địch quốc gia chất lượng với nhiều cầu thủ ngoại giỏi, có hệ thống các giải trẻ, giải bóng đá học đường phát triển mạnh, lại sẵn sàng sử dụng cầu thủ nhập tịch.
Cả Brazil lẫn Tây Ban Nha năm nay đều gặp không ít khó khăn trước Nhật Bản dù cùng thắng 4 – 2. Brazil bị Nhật dẫn trước rồi cầm hòa trong hiệp một, đến nửa sau hiệp hai mới có thể vượt lên. Tây Ban Nha dẫn trước Nhật nhưng bị Nhật dẫn ngược 2 – 1 trong hiệp một và cũng phải đến nửa sau hiệp hai mới có thể thắng lại.

Việt Nam đã trải qua một giải đấu đáng nhớ và có một trận đấu hay trước Nga, nhưng chừng nào futsal Việt Nam chưa có thêm nhiều sự đầu tư, chưa có thêm người đồng hành/cạnh tranh, khả năng để chúng ta tiếp tục vươn lên đỉnh cao hơn là rất khó vì số doanh nghiệp đang làm futsal là rất ít và bản thân họ cũng đã liên tục vượt lên chính mình trong suốt nhiều năm qua.

Kết
Cầu thủ nhập tịch đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của futsal Kazakhstan nhưng cầu thủ bản địa cũng vậy.
Không dùng cầu thủ nhập tịch, có thể futsal Kazakhstan không có ngày hôm nay, nhưng nếu chỉ nhập tịch mà không tạo dựng được các thế hệ cầu thủ bản địa chất lượng thì họ cũng không thể đạt được thành tích cao có tính kế thừa qua nhiều năm như hiện tại vì số cầu thủ nhập tịch thường chỉ chiếm tối đa 3 – 4 vị trí, tức là chưa đủ 1/2 đội hình thi đấu có 2 tổ.

Do có xuất phát điểm khá tương đồng, thành công của futsal Kazakhstan là niềm cảm hứng lớn cho người châu Á. Tuy nhiên, để các nước châu Á lặp lại thành tích của họ không phải là chuyện một sớm một chiều. Ngay chính Kazakhstan cũng đã phải mất hơn chục năm kể từ thời điểm gia nhập châu Âu mới có được những thành quả đầu tiên.
Không những vậy, con đường mà Kazakhstan đã đi gần như là duy nhất và khó có thể được lặp lại bởi bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á.
Để hiểu rõ hơn về con đường đưa Kazakhtan đến vị thế hàng đầu tại futsal châu Âu và thế giới hiện nay, mời bạn đọc bài viết tiếp theo: Vì sao futsal Kazakhstan thành công?