Ở bài viết trước, mình đã đề cập đến việc thành công của Kazakhstan có thể là niềm cảm hứng cho futsal châu Á bước lên đỉnh cao hơn. Bạn có thể xem lại TẠI ĐÂY.
Bây giờ, để nói về nguyên nhân dẫn đến thành công, nếu câu chuyện chỉ đơn giản là nhập tịch cầu thủ Brazil giỏi thì có một nền futsal khác lẽ ra phải thành công trước Kazakhstan rồi.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, nhập tịch chỉ là điều kiện cần chứ không phải duy nhất để đạt thành tích cao trong futsal.
Azerbaijan cũng dùng cầu thủ Brazil nhập tịch
Azerbaijan có nhiều nét tương đồng với Kazakhstan. Về mặt địa lý, Azerbaijan cũng nằm giữa châu Âu – châu Á và đang thi đấu tại hệ thống của liên đoàn bóng đá châu Âu như Kazakhstan.
Azerbaijan cũng dùng cầu thủ Brazil nhập tịch. Tuy không có một thủ môn vừa chụp hay vừa đá giỏi như Higuita của Kazakhstan nhưng bù lại, Azerbaijan dùng nhiều cầu thủ hơn.
Từ 2010 (năm đầu tiên dự VCK futsal châu Âu) đến nay, Azerbaijan luôn đăng ký từ 5 – 6 cầu thủ gốc Brazil trong đội hình ở bất kỳ giải Euro hay World Cup nào (con số này của Kazakhstan là 3 – 4, nếu chỉ tính ở các vòng chung kết thì luôn là 3). Như vậy, họ luôn có thể đưa ra sân đội hình xuất phát toàn là người Brazil nhập tịch chỉ trừ vị trí thủ môn.
Nổi bật trong số nhóm Brazil nhập tịch có Vassoura – người từng đá ở 2 giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới là Brazil và Tây Ban Nha. Dưới đây là bàn thắng anh ghi vào lưới Barcelona – một trong những “ông lớn” tại Tây Ban Nha sau khi xỏ háng Ferrao – người 2 năm gần nhất được trang Futsal Planet bầu là cầu thủ hay nhất thế giới:
Hay Fineo Aráujo – người cũng từng đá tại giải vô địch quốc gia Brazil:
Trong nhóm cầu thủ Brazil nhập tịch của Azerbaijan dự Euro 2018, ngoài Vassoura và Fineo còn có Bolinha (từng đá tại giải VĐQG Brazil, VĐQG Nga, tham dự cúp C1 châu Âu), Eduardo (từng là đồng đội của Ricardinho – người 6 lần đoạt giải cầu thủ hay nhất thế giới) hay Gallo (từng đá tại giải VĐQG Brazil, đang chơi cho Levante tại giải VĐQG Tây Ban Nha):
Giới thiệu như vậy để thấy Azerbaijan cũng dùng cầu thủ Brazil nhập tịch chất lượng như Kazakhstan và thậm chí còn dùng nhiều hơn.
Nhưng thành tích lại không bằng Kazakhstan
Azerbaijan đã sớm dùng cầu thủ Brazil nhập tịch từ 19 năm trước. Tại vòng loại Euro 2003, Azerbaijan có 2 cầu thủ gốc Brazil nhưng ngoài thất bại 0 – 5 trước Bồ Đào Nha, họ cũng không thể thắng Belarus (thua 1 – 3) và chỉ thắng được Georgia, chung cuộc xếp hạng ba:
Hạng | Đội | Điểm |
1 | Bồ Đào Nha | 9 |
2 | Belarus | 4 |
3 | Azerbaijan | 3 |
4 | Georgia | 1 |
Năm 2007, họ đăng ký 1 ngoại binh nhưng cũng chỉ có được 1 trận thắng trước Phần Lan, còn lại là 2 trận hòa trước Serbia và Hà Lan nên không thể tham dự vòng chung kết. Mãi đến năm 2010, với 5 cầu thủ gốc Brazil, Azerbaijan mới lần đầu tiên vượt qua vòng loại Euro và thậm chí đứng trong top 4 đội mạnh nhất ở vòng chung kết.
Kể từ đó đến nay, dù luôn vào vòng chung kết (với ít nhất là 4 người nhập tịch khi đá vòng loại), Azerbaijan đều bị loại ở vòng bảng hoặc tứ kết dù luôn có từ 5 – 6 ngoại binh trong đội hình. Vào các năm 2012 và 2014, Azerbaijan không vượt qua vòng bảng. Trong 2 mùa 2016 và 2018, họ thua ở tứ kết với 3 bàn thắng đều được ghi bởi cầu thủ nhập tịch:
Ở 2 trận tứ kết vừa nêu, Azerbaijan thua một phần vì phải gặp 2 đội hàng đầu thế giới (Nga và Bồ Đào Nha), do ở vòng bảng họ chỉ đứng thứ nhì. Họ xếp thứ nhì là hệ quả từ việc bảng đấu của họ có 2 đội hàng đầu thế giới khác (Ý và Tây Ban Nha).
Nhưng Kazakhstan cũng từng đứng nhì bảng lại thắng Ý 5 – 2 ở tứ kết Euro 2016. Kazakhstan cũng từng đứng nhất bảng ở một bảng đấu có Nga tại Euro 2018.
Bên cạnh đó, Kazakhstan còn thắng Bồ Đào Nha của huyền thoại Ricardinho tại vòng loại Euro 2016 trong thế bị dẫn trước ngay cả khi chưa có sự phục vụ của ngoại binh Brazil đẳng cấp nhất là Douglas, chỉ dùng thủ môn Higuita và 1 cầu thủ nhập tịch khác là Leo. Higuita ghi bàn ấn định tỷ số 3 – 1 (sút xa vào cầu môn trống khi Bồ Đào Nha đá 5), còn 2 bàn đầu được ghi bởi 2 cầu thủ bản địa.
Tại bán kết Euro 2018, Tây Ban Nha có 2 lần dẫn trước Kazakhstan trong giờ thi đấu chính thức và sau đó thêm 1 lần vươn lên trong hiệp phụ nhưng cũng chỉ có thể giành chiến thắng trên chấm phạt đền. Trong 5 bàn thắng của Kazakhstan thì 2 bàn thuộc về nội binh, bao gồm bàn gỡ hòa 5 – 5:
Tính đến nay, Kazakhstan đã vào top 4 ở 3 giải đấu lớn liên tiếp (Euro 2016 – 2018, World Cup 2021) với 1 lần đứng thứ ba (Euro 2016). Trong 3 trận tứ kết (trận bản lề để tranh vé vào top 4), bại tướng của họ là Ý, Serbia và Iran. Ý có 2 lần vô địch châu Âu cùng 2 lần hạng ba World Cup. Iran là đội hạng ba World Cup 2016 sau khi thắng cả Brazil lẫn Bồ Đào Nha.
Không phải là một tên tuổi lớn với nhiều danh hiệu hay huy chương tại Euro và World Cup nhưng Serbia từng thắng Bồ Đào Nha tại Euro 2016 và hòa Ý tại Euro 2018 (trận hòa này góp phần khiến Ý bị loại ngay từ vòng bảng):
Tại World Cup 2021, Serbia cũng 2 lần dẫn trước cựu vô địch năm 2016 Argentina và chỉ chịu thua nhà vô địch Bồ Đào Nha trong hiệp phụ dù bị dẫn trước 2 – 0.
Mà ở lần bị loại từ vòng bảng năm 2012, 1 trong 2 đội mà Azerbaijan để thua chính là Serbia:
Trong khi đó, Kazakhstan không chỉ thắng Serbia tại tứ kết Euro 2018 mà họ đã làm điều tương tự ở trận tranh hạng ba Euro 2016 ngay trên đất Serbia. Ở 2 trận này, nhóm nhập tịch vẫn thể hiện tầm quan trọng với 6/8 bàn thắng (2 trong số đó được ghi khi Serbia bỏ cầu môn trống để đá 5). Nhóm bản địa tuy chỉ ghi 2 bàn thắng nhưng đều là những bàn quan trọng (mở tỷ số và nâng tỷ số lên 2 – 0):
Vẫn biết bóng đá không có tính bắc cầu mà trong 5 năm vừa qua, 2 bên chưa có dịp gặp nhau ở các giải chính thức để so tài trực tiếp. Tuy nhiên, Kazakhstan đã liên tiếp đạt được những thành tích cao hơn đáng kể so với Azerbaijan ở cùng giải đấu trong quãng thời gian tương đối dài, lại nhiều lần thắng những đội mà Azerbaijan chưa thể thắng.
Còn nếu tính các trận/giải giao hữu gần đây thì Azerbaijan thắng Serbia vào năm 2019, hòa Iran 2 trận vào các năm 2017 – 2019 nhưng lại chưa thể thắng Kazakhstan (1 hòa, 2 thua) trong 3 năm liền (2017 – 2018 – 2019), dù có trận Azerbaijan dùng đến 5 cầu thủ gốc Brazil, trong khi Kazakhstan chỉ dùng 2 người:
Năm | Kết quả giao hữu (trong ngoặc: số người nhập tịch) |
2017 | (3) Kazakhstan 3 – 3 Azerbaijan (5) |
2018 | (2) Kazakhstan 3 – 1 Azerbaijan (0) |
2019 | (2) Kazakhstan 5 – 2 Azerbaijan (5) |
Đây là đội hình Kazakhstan với 2 ngoại binh (1 thủ môn) thắng Azerbaijan dùng 4 ngoại binh với tỷ số 5 – 2 năm 2019:
Quay ngược về trước đó thêm vài năm thì vào năm 2014, tại một giải giao hữu ở Uzbekistan, Azerbaijan với 4 cầu thủ nhập tịch đã thua 1 – 4 trước Kazakhstan chỉ có 2 cầu thủ nhập tịch.
Nhìn chung, những gì Azerbaijan với nhiều cầu thủ nhập tịch hơn không làm được, Kazakhstan lại làm được nhiều lần với ít cầu thủ nhập tịch hơn, thậm chí là với ít cơ hội hơn (do Azerbaijan đá vòng chung kết Euro từ năm 2010, tức có nhiều hơn 3 mùa giải so với Kazakhstan tham dự lần đầu năm 2016).
Trong trận bán kết World Cup 2021 gặp Bồ Đào Nha, Kazakhstan suýt nữa mở tỷ số ngay ở đầu trận với 4 cầu thủ trên sân đều là người bản địa. Video ghi lại tình huống ấy cho thấy nhóm nội binh Kazakhstan đã thực hiện một pha xử lý nhanh, gọn và có độ chính xác rất cao:
Thế nên, sự so sánh về sức mạnh của 2 đội sau khi dùng cầu thủ Brazil nhập tịch tuy chỉ mang tính tương đối nhưng vẫn có giá trị tham khảo nhất định.
Azerbaijan mạnh nhưng chưa bản lĩnh và không ổn định
Azerbaijan với sức mạnh từ các cầu thủ Brazil nhập tịch vẫn là một đội bóng rất đáng gờm ở cả châu Âu lẫn thế giới. Giống như Kazakhstan, dù có vị trí rất thấp trên bảng xếp hạng football, Azerbaijan lại thuộc nhóm đầu trên bảng xếp hạng futsal:
Tại vòng loại Euro 2012, Kazakhstan khi đó chưa có đầy đủ sức mạnh từ cầu thủ Brazil nhập tịch đã thua 3 – 6 trước Azerbaijan sử dụng cầu thủ Brazil nhập tịch (cả 6 bàn thắng của Azerbaijan đều được ghi bởi ngoại binh):
Tại World Cup 2016, Azerbaijan đã hòa Iran – đội thắng cả Brazil lẫn Bồ Đào Nha để giành hạng ba chung cuộc. Gần đây nhất, tại vòng loại World Cup 2021, Azerbaijan đã thắng Nga, điều Kazakhstan chưa từng làm được ở các giải chính thức với 3/4 bàn thắng được ghi bởi cầu thủ nhập tịch:
Tuy nhiên, sức mạnh của Azerbaijan chưa được chuyển hóa thành thành tích cụ thể và ổn định như Kazakhstan.
Cũng trong bảng đấu thuộc vòng loại thứ hai World Cup 2021 vừa nêu trên, tuy thắng Nga nhưng Azerbaijan lại thua Croatia rồi hòa Slovakia (dù vừa thắng chính Slovakia ở vòng loại đầu tiên và Slovakia lúc đó đã gần như hết cơ hội đi tiếp). Cầu thủ Brazil nhập tịch ghi đa số bàn thắng như thường lệ nhưng Azerbaijan thậm chí đã 2 lần rơi vào thế phải tìm bàn gỡ trong trận gặp Slovakia:
Phong độ thất thường nên dù thắng Nga nhưng Azerbaijan vẫn chỉ xếp thứ ba bảng đấu và bị loại. Nếu đứng nhì bảng, họ đã có thể tham dự trận play-off:
Mà vào thời điểm ấy, Azerbaijan sử dụng đến 6 cầu thủ nhập tịch, trong đó 4 cầu thủ ra sân đầu mỗi trận đều là người gốc Brazil. Dưới đây là 2 đội hình xuất phát chỉ có thủ môn là người bản địa của họ:
Huseynli (GK) | Huseynli (GK) |
Bolinha | Vilela |
Eduardo | Eduardo |
Vassoura | Vassoura |
Gallo | Gallo |
Nếu lại phải so sánh thì trong khi Azerbaijan thua Croatia 0 – 2 như vừa nêu, Kazakhstan đã thắng Croatia 4 – 2 tại Euro 2016 với 3/4 bàn thắng được ghi bởi cầu thủ bản địa. Trong 2 trận giao hữu với Croatia năm 2019, Kazakhstan thắng 2 – 1, hòa 0 – 0 với chỉ 2 người nhập tịch được sử dụng và 2 cầu thủ ghi bàn đều là người bản địa:
Mặt khác, tại vòng loại World Cup 2021, Kazakhstan tuy thua Romania ở trận đầu nhưng đã thắng Slovenia và Cộng Hòa Séc để giành ngôi nhất bảng kèm chiếc vé trực tiếp đến World Cup.
Ở trận gặp Slovenia, trái ngược với đội hình toàn người Brazil nhập tịch của Azerbaijan, Kazakhstan dùng tổ đấu xuất phát gồm toàn bộ cầu thủ là người bản địa dù trong danh sách đăng ký có 3 cầu thủ nhập tịch (trừ thủ môn Higuita). Chung cuộc, họ thắng 4 – 3 với 2 bàn (mở tỷ số + ấn định tỷ số khi trận đấu chỉ còn 35 giây) được ghi bởi cầu thủ bản địa:
Ngoài ra, ở lần duy nhất vào top 4 năm 2010, Azerbaijan đã hòa Bồ Đào Nha ở vòng loại. Vào vòng chung kết, họ cũng chỉ thua Bồ Đào Nha trên chấm phạt đền tại bán kết. Thế nhưng, đến trận tranh hạng ba, Azerbaijan lại để thua Cộng Hòa Séc, đội mà họ vừa thắng đậm ở vòng bảng. Điều này cho thấy sự không ổn định của Azerbaijan đã tồn tại từ lâu.
Kết quả thi đấu của Azerbaijan tại Euro 2010:
Trận | Tỷ số |
Vòng bảng | Azerbaijan 6 – 1 Cộng Hòa Séc |
Tranh hạng ba | Azerbaijan 3 – 5 Cộng Hòa Séc |
Chưa kể năm đó, trên con đường vào bán kết, Azerbaijan không phải gặp bất kỳ “ông lớn” nào trong nhóm 4 nước đã vô địch Euro tính đến nay (Tây Ban Nha, Nga, Ý, Bồ Đào Nha). Ở vòng bảng, đối thủ của Azerbaijan ngoài Cộng Hòa Séc là Hungary. Ở tứ kết, họ vượt qua Ukraine trên chấm phạt đền.
Nó khác hẳn với cách Kazakhstan 2 mùa liên tiếp vào top 4 dù trước đó luôn chạm trán 1 hoặc 2 đội thuộc nhóm “tứ đại gia”.
Kết
Những kết quả thi đấu của Azerbaijan và Kazakhstan trong hơn một thập niên vừa qua chứng minh, tuy cả 2 cùng mạnh lên nhờ sử dụng cầu thủ Brazil nhập tịch có chất lượng gần như tương đồng, bên đạt được thành tích cao hơn và ổn định trong suốt 5 năm qua lại là bên dùng ít người nhập tịch hơn. Tính ở các giải đấu chính thức từ năm 2010 đến nay, trong khi Kazakhstan chỉ mới dùng đúng 5 ngoại binh gốc Brazil thì con số của Azerbaijan là 20.
Do Azerbaijan dùng cầu thủ Brazil nhập tịch chất lượng với số lượng nhiều hơn nhưng thành tích lại không bằng Kazakhstan, có thể kết luận, ngoại binh tuy rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất giúp futsal Kazakhstan có được ngày hôm nay.
Để hiểu rõ hơn về những nguyên nhân còn lại giúp futsal Kazakhstan thành công ngoài nhập tịch cầu thủ, mời bạn đón đọc những phần tiếp theo của loạt bài viết để biết rằng, không có thành công nào đến sau một đêm!