Ở phần trước, mình đã giải thích thành công của futsal Kazakhstan (3 giải đấu lớn liên tiếp vào top 4: 2 Euro + 1 World Cup, trong đó 1 lần hạng ba) có được không chỉ nhờ cầu thủ nhập tịch dù ngoại binh luôn đóng một vai trò quan trọng vì đội tuyển Azerbaijan nhập tịch còn nhiều hơn nhưng thành tích lại không bằng Kazakhstan. Bạn có thể xem lại TẠI ĐÂY.
Vậy, vì sao cầu thủ nội có thể ghi dấu ấn trong những chiến thắng của futsal Kazakhstan tại những giải đấu lớn nhất châu Âu và thế giới?
Đây là câu trả lời: Đó là sự trưởng thành của một thế hệ đã được tôi luyện trong môi trường chất lượng qua nhiều năm tháng!
Trước tiên, cần biết rằng từ năm 2010 đến 2014, Kazakhstan không thể vượt qua vòng loại Euro cũng như World Cup.
Đến vòng loại Euro 2016, dù bị dẫn trước, Kazakhstan với chỉ 2 ngoại binh là Higuita và Leo (Douglas vẫn chưa hoàn tất thủ tục nhập tịch) đã thắng Bồ Đào Nha có Ricardinho đang ở thời đỉnh cao, trong đó 2/3 bàn thắng được ghi bởi các nội binh, thủ môn Higuita chỉ ghi bàn ấn định tỷ số khi đối thủ dâng cao đá 5, bỏ cầu môn trống:
Bước vào vòng chung kết, Kazakhstan giành huy chương đồng sau chiến thắng 5 – 2 trước Ý ở tứ kết. Kazakhstan có 3 cầu thủ Brazil nhập tịch (3/5 bàn thắng được ghi bởi cầu thủ nội), nhưng Ý có đến 7 người gốc Brazil. Năm đó, Ý còn là đương kim vô địch Euro với 12/14 cầu thủ còn sót lại từ đội hình đăng quang mùa giải 2014.
Sau 2 năm, với dàn cầu thủ gần như được giữ nguyên, Ý không thể tự dưng yếu đi rõ rệt (họ vào tứ kết với ngôi nhất bảng, ghi 10 bàn sau 2 trận toàn thắng ở vòng bảng mà không để lọt lưới bàn nào).
Bên cạnh đó, bóng đá là môn thể thao tập thể, bộ 3 cầu thủ nhập tịch không phải thánh để biến Kazakhstan thành một đội hoàn toàn khác. Chưa kể, 1 người trong số họ lại là thủ môn, tức sẽ có thời điểm Kazakhstan phải đá với 3/4 cầu thủ là người bản địa.
Như vậy, câu trả lời chỉ có thể là nhóm cầu thủ Kazakhstan “chính gốc” đã khác, họ đã trở nên tốt hơn theo thời gian để kết hợp cùng 3 ngoại binh đẳng cấp tạo thành 1 tập thể mạnh.
Họ đã trở nên tốt hơn như thế nào? Hãy quay ngược lại thời điểm 8 năm trước.
Năm 2008, Kazakhstan vượt qua vòng loại giải U21 châu Âu với dàn cầu thủ sinh năm 1988, 1989, 1990. 5 thành viên của đội U21 được gọi vào đội tuyển quốc gia đá vòng loại Euro + World Cup kể từ đó, nghĩa là bên cạnh giải vô địch quốc gia, lứa cầu thủ trên đã được thử lửa ở đấu trường quốc tế trong màu áo đội tuyển khi mới 19 – 21 tuổi.
Sau 8 năm rèn luyện, họ góp mặt trong đội hình tuyển Kazakhstan giành HCĐ Euro 2016. Tất cả đều ghi bàn tại 2 mùa Euro và 1 mùa World Cup trong giai đoạn 2016 – 2018.
Để so sánh, 3/4 đội lọt vào bán kết giải U21 châu Âu 2008 là các ông lớn Nga, Ý và Tây Ban Nha. Số cầu thủ U21 năm 2008 trở thành tuyển thủ quốc gia dự Euro 2016 của Ý là 4, Tây Ban Nha là 3 và Nga là 3. Con đường Kazakhstan đã đi không hề ngẫu nhiên mà rất giống các ông lớn.
So sánh với Azerbaijan, đội bóng dùng nhiều cầu thủ nhập tịch hơn lại không có được nhiều thành công sẽ thấy sự khác biệt rất rõ ràng. Azerbaijan tại Euro 2016 không có bất kỳ cầu thủ nào còn sót lại từ đội hình U21 năm 2008.
Thậm chí, ngay cả các cầu thủ nhập tịch cũng được Azerbaijan thay đổi liên tục qua các năm. Tính ở các giải đấu chính thức từ năm 2010 đến nay, trong khi Kazakhstan chỉ mới dùng đúng 5 ngoại binh gốc Brazil thì con số của Azerbaijan là 20. Rất khó để tạo nên một tập thể mạnh bền vững nếu nguồn nhân sự được xem là chủ lực cứ bị thay đổi hàng loạt như vậy.
Cụ thể hơn, đây là danh sách tuyển futsal Azerbaijan tham dự Euro 2014 và 2018:
Năm 2014, họ dùng 6 cầu thủ nhập tịch với độ tuổi trung bình của nhóm này là 32,5 (trong đó có 4 người trên 30). Đến năm 2018, chỉ 1 ngoại binh còn trụ lại từ đội hình 4 năm trước. Số ngoại binh được đăng ký và tuổi trung bình của họ lần lượt là 5 và 31,6 (tất cả đều trên 30 tuổi). Việc dùng phần lớn ngoại binh có tuổi trên 30 khiến Azerbaijan khó xây dựng bộ khung vững chắc làm điểm tựa cho các cầu thủ nội qua nhiều năm.
Mặt khác, thời điểm futsal Kazakhstan trỗi dậy cũng là lúc Kairat Almaty, CLB số một quốc gia này bắt đầu khẳng định sức mạnh ở cúp C1 châu Âu với 2 chức vô địch và 1 lần hạng tư trong giai đoạn 2013 – 2015 nhờ sự góp mặt của dàn cầu thủ ngoại chất lượng.
Trong đội hình Kairat vô địch cúp C1 châu Âu vào các năm 2013 và 2015 có 3 cầu thủ thuộc đội hình tuyển Kazakhstan giành huy chương đồng Euro năm 2016, trong đó có 1 người thuộc lứa U21 năm 2008 đã nêu ở trên:
Vừa được thi đấu quốc tế từ sớm, vừa được cọ xát với những ngoại binh đẳng cấp cao hàng tuần trong lúc tập luyện cũng như thi đấu giải vô địch quốc gia, các cầu thủ Kazakhstan đã trưởng thành như thế.
Không chỉ vững vàng hơn về chuyên môn cũng như bản lĩnh, việc liên tục được thi đấu cùng nhau giúp họ nâng cao sức mạnh tập thể theo thời gian. Do bóng đá là môn thể thao đồng đội, một tập thể có nhiều cầu thủ giỏi nhưng thiếu gắn kết chưa chắc đã là một đội bóng mạnh. Đó chính là sự khác biệt rõ nét giữa Kazakhstan và Azerbaijan dù 2 bên đều có sự tăng cường cầu thủ nhập tịch.
Kết
Thành công của futsal Kazakhstan là kết quả của một quá trình dài nâng cấp chuyên môn và xây dựng bản lĩnh cùng tính tập thể cho một thế hệ cầu thủ ngay từ những ngày đầu, khi họ còn rất trẻ. Cầu thủ Brazil nhập tịch rất quan trọng nhưng nếu không xây nhà từ móng trong suốt 8 năm, chưa chắc futsal Kazakhstan đã có thành quả như ngày nay.
Và đó vẫn chưa phải là tất cả những gì bạn cần biết về thành công của futsal Kazakhstan. Sẽ còn nhiều thông tin thú vị về nền futsal đặc biệt này được nêu ở những bài viết tiếp theo.