Sinh ra tại Brazil nhưng về sau nhập quốc tịch Kazakhstan, Douglas Junior hiện nay là trụ cột của đội tuyển futsal Kazakhstan và câu lạc bộ số một của quốc gia này là Kairat Almaty – đội bóng từng 2 lần vô địch, 1 lần hạng nhì và 2 lần hạng ba cúp C1 châu Âu.
Bạn sẽ không thường thấy Douglas có những pha xử lý bắt mắt, nhưng mỗi khi anh tung cú chích mũi, đó rất có thể là một bàn thắng hoặc một cú sút nguy hiểm mang về quả phạt góc/đá biên. Douglas rất giống Hardy Rodrigo của Brazil, cả 2 đều có thể tung ra những cú đá “mu lai mũi” đưa bóng đi cực nhanh khiến thủ môn đối phương không kịp phản xạ dù bóng đi rất gần người, chẳng hạn như sau:
Bây giờ, mình muốn nói về nụ cười trên môi anh đêm hôm trước.
Ngay ở những phút đầu tiên trong trận bán kết Futsal World Cup 2021 giữa Bồ Đào Nha và Kazakhstan, bình luận viên VTV đã gọi Douglas là “Iron Man” – tức Người Sắt, một nhân vật siêu anh hùng thuộc vũ trụ điện ảnh Marvel. Thật ra, ban đầu đây chỉ là nickname mà người đồng đội Higuita ngẫu hứng đặt cho Douglas.
Tuy nhiên, Douglas đã chơi như một Iron Man thực thụ ở kỳ World Cup năm nay. Anh hoàn thành trận tứ kết trước đội tuyển Iran với khoảng 31 phút 46 giây thời gian thi đấu khi bóng sống. Cả trận có 40 phút, nghĩa là Douglas đã chơi trong hơn 3/4 thời gian của trận đấu.
Cần biết rằng, do futsal là môn thể thao có cường độ vận động cao trong quãng thời gian ngắn, các cầu thủ thường được thay ra sau 4 – 5 phút, ai rất quan trọng hoặc/và thể lực rất tốt thì đá 6 – 7 phút và nhiều lắm thì tầm 8 phút mỗi lượt vào sân, tức là một trận đá được trung bình khoảng trên dưới 20 phút (tương đương thời gian của một hiệp đấu). Con số 25 phút đã là rất nhiều, kể cả ở những đội hàng đầu thế giới như Nga, Brazil, Argentina, Tây Ban Nha hay Iran.
Để so sánh, thời gian thi đấu của Ferrao (cầu thủ 2 năm liền được một tạp chí futsal quốc tế uy tín bầu là hay nhất thế giới) trong trận bán kết giữa Brazil và Argentina là khoảng 24 phút 20 giây. Thời gian thi đấu của Tavakoli – cầu thủ thường đá ở tổ mạnh nhất của Iran và có vai trò trên sân tương đối giống Douglas trong trận tứ kết là khoảng 18 phút 40 giây. Vậy mà Douglas đá đến hơn 31 phút.
Kazakhstan vẫn có 6 người khác ngoài Douglas và Taynan (cũng là một cầu thủ gốc Brazil như Douglas) để tạo thành 2 tổ đấu thay phiên nhau, nhưng tổ của Douglas và Taynan bao giờ cũng phải đá nhiều hơn.
Trong quá trình thay tổ, không phải lúc nào cũng thay được đồng loạt 4 vị trí nên đôi lúc Douglas là người ra sân trễ nhất nhưng lại vào sân sớm nhất, nghĩa là thời gian đứng trên sân thực tế của anh thường nhiều hơn những người chung tổ. Mà Douglas đã 33 tuổi (anh sinh năm 1988), trong khi tuổi trung bình của 7 cầu thủ còn lại là 27,8.
Những cầu thủ quan trọng phải thi đấu nhiều hơn là chuyện bình thường nhưng nếu họ không đảm bảo thể lực thì có thể càng về sau sẽ chỉ đá được kiểu cầm chừng để không mắc lỗi khi phòng ngự chứ khó tạo đột biến khi tấn công vì không còn đủ sức.
Còn với Douglas, không chỉ có số lượng, quãng thời gian trên sân của anh nhiều cả về chất lượng. Trong hiệp hai trận tứ kết, sau khi đá 1 quả dội cột dọc và 1 quả sượt xà ngang bằng những cú chích mũi “đặc sản” thì đến phút 39, anh chuyền bóng để Taynan kết liễu Iran.
Video màn trình diễn của Douglas Junior trong trận tứ kết:
Đến trận bán kết, gặp đương kim vô địch châu Âu Bồ Đào Nha, Douglas vẫn chạy như thể anh mới đá trận đầu tiên tại World Cup và lại một lần nữa chạy suốt gần 3/4 thời gian của trận đấu – anh đá khoảng 36 phút 27 giây trong một trận đấu có tổng thời lượng 50 phút bóng sống do kéo dài sang 2 hiệp phụ.
Anh đeo bám quyết liệt Erick – người có thể hình tốt nhất nhì bên phía Bồ Đào Nha rồi tắc bóng khi hiệp hai chỉ còn vài giây. Đến những phút cuối của hiệp phụ thứ hai, anh vẫn có thể lao lên cắt bóng ngay trước mặt cầu thủ 20 tuổi Zicky. Trước đó, anh cũng nhiều lần chiến thắng “cậu nhóc” to cao và trẻ hơn mình đến 13 tuổi này trong những pha tranh chấp.
Video: Cú tắc bóng dũng mãnh của Douglas ở những giây cuối hiệp hai
Và nếu bạn cần một con số chi tiết hơn thì Douglas không chỉ là người có số phút thi đấu nhiều nhất trong đội Kazakhstan, anh dẫn đầu về chỉ số này trong cả giải đấu theo thống kê từ trang chuyên phân tích số liệu Futsal Stats.
Cụ thể, trong top 10 cầu thủ có thời gian thi đấu lâu nhất tại World Cup 2021 tính đến trước trận chung kết (không tính các thủ môn), Douglas xếp thứ nhất, hơn cả 3 người đồng nghiệp bên phía Bồ Đào Nha dù Kazakhstan chỉ có 1 lần đá hiệp phụ (Bồ Đào Nha có 3 trận đá hiệp phụ), vậy mà anh vẫn là người đóng góp vào nhiều bàn thắng nhất trong nhóm này (4 bàn + 5 kiến tạo):
Anh phòng ngự, anh chuyền bóng rồi anh sút bóng. Douglas làm gần như mọi thứ trừ việc bắt gôn thay Higuita. Cả 2 bàn thắng của đội tuyển Kazakhstan trước Bồ Đào Nha đều có dấu giày của Douglas.
Video màn trình diễn của Douglas Junior trong trận bán kết:
Sau mỗi lần góp công vào bàn thắng của đội nhà, Douglas đều nở một nụ cười gần như giống hệt nhau, một nụ cười với mình là rất đẹp: Anh nhắm mắt, cười hồn nhiên như một đứa trẻ:
Video: Nụ cười của Douglas
Nếu trận đấu kết thúc với thắng lợi 2 – 1 dành cho Kazakhstan, đó sẽ là một ngày hoàn hảo với Douglas. Anh sẽ trở thành một “Iron Man” hay “người không phổi” đích thực, một ví dụ không thể sống động hơn về cách con người vượt qua những giới hạn thể chất.
Mặc dù vậy, Iron Man chỉ có trên phim, còn ở ngoài đời, Douglas vẫn là người trần mắt thịt (mà ngay cả ở trên phim thì Người Sắt cũng phải gục ngã ở hồi kết). Từ cuối hiệp hai, Douglas đã có dấu hiệu của sự mệt mỏi khi đứng khom lưng, chúi đầu xuống đất và chống 2 tay vào đầu gối:
Trong những quãng thời gian ngắn ngủi (mà đôi khi chỉ là hơn 1 phút) được nghỉ ngơi giữa những lần vào sân, bản thân Douglas và đội ngũ săn sóc viên của đội tuyển Kazakhstan đã làm tất cả những gì có thể để anh hồi phục thể lực càng nhanh càng tốt:
Nhưng sức người là có hạn.
Để rồi, vào thời điểm trận chung kết chỉ còn cách mình đúng 100 giây, Douglas đã không còn đủ sức lao lên thật nhanh cắt bóng như anh đã làm nhiều lần trước đó, hoặc ít nhất là chạm vào quả bóng trước đối thủ để phá nó đi sau khi đồng đội bị qua người, và thế là Bồ Đào Nha có bàn gỡ hòa.
Video: Bàn thắng gỡ hòa 2 – 2 của Bồ Đào Nha
Đến loạt đá luân lưu, Douglas cũng thất bại trong việc đưa bóng vào lưới. Và khi người đá phạt đền thứ năm của Bồ Đào Nha hoàn thành nhiệm vụ, Kazakhstan chính thức đánh rơi tấm vé chơi trận chung kết World Cup đầu tiên trong lịch sử, nụ cười đã tắt trên môi của Douglas.
Nhưng chẳng hiểu sao, mình lại rất thích nụ cười ấy.
Với mình, không phải bất kỳ điều gì khác mà chính nụ cười của Douglas sau khi góp công vào 2 bàn thắng của đội nhà mới là khoảnh khắc khiến mình nhớ nhất về trận đấu. Một nụ cười thật đẹp của một chiến binh đã chiến đấu bằng tất cả sức mình, thậm chí là nhiều hơn những gì anh có, nhưng trong cuộc sống, đôi khi, cái đẹp chỉ có được một kết thúc dở dang.