Tại Futsal World Cup 2021, có những tình huống bóng đi hướng vào khung thành nhưng rồi đụng thanh chéo chắn ở dưới 2 cột dọc bật ra dẫn đến tranh cãi về việc công nhận bàn thắng, trong đó có cả trường hợp của đội tuyển Việt Nam.
Theo lẽ thường tình, khi bóng đi hướng vào khung thành, không trúng cột dọc, không trúng xà ngang mà thủ môn lại không cản được, đó phải là một bàn thắng. Cũng như một số khán giả, mình thắc mắc tại sao khung thành lại có thanh chéo, để những sự cố này lại xảy ra.
Video: Bàn thắng “hụt” của Hồ Văn Ý trong trận Việt Nam – Panama
Sau khi tìm hiểu, mình đã có lời giải đáp cho câu hỏi này. Thanh chéo có tác dụng, chứ không vô dụng như mình đã nghĩ. Mình nợ thanh chéo một lời xin lỗi.
Trước tiên, luật futsal có quy định rõ: Cầu môn phải có một hệ thống tạo ổn định để tránh bị đổ.
Hệ thống ở đây là những vật có trọng lượng phù hợp chèn ở phía sau cầu môn nhưng không được lắp cố định vào mặt sân nhằm đảm bảo khung thành có thể bị dịch chuyển một cách hợp lý mà không gây nguy hiểm cho các cầu thủ:
Loại khung thành thường thấy sẽ có 1 phần của hệ thống tạo ổn định là 2 cột đứng phía sau, song song với 2 cột dọc. Ở những sân mình đã đến, mình thấy đa số là dùng loại khung thành này (có lẽ do thiết kế như thế thì đơn giản):
Do được làm từ chất liệu cứng, nếu cầu môn bị gãy đổ, sẽ rất nguy hiểm cho những cầu thủ xung quanh, chẳng hạn như tình huống sau, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu xà ngang đập vào đầu thủ môn đang ở tư thế rất khó để né kịp:
(Video: FI Futsal Championship)
Thậm chí, có nơi ban quản lý sân còn cột khung thành vào lưới phía sau lưng để tránh cho nó bị đổ, nhất là khi trời mưa to, gió lớn (mình đã từng thấy khung thành bị đổ trong trường hợp này rồi).
Kết cấu khung thành dạng cơ bản này không có vấn đề gì ở những trận đấu bình thường. Tuy nhiên, ở các giải đấu lớn, nơi thường xảy ra những tình huống có tốc độ chóng mặt và những cú sút đưa bóng đi cực nhanh, bóng có thể dội cột đứng phía sau bật ra (tức là đã có bàn thắng) mà trọng tài chưa theo kịp diễn biến (nên không công nhận bàn thắng), thế là những tranh cãi xuất hiện.
Đó có lẽ là lý do khiến các nhà sản xuất khung thành bổ sung thêm thiết kế bỏ cột đứng phía sau, thêm thanh chéo nối liền cột dọc và cạnh dưới ở 2 bên. Và đó cũng là lý do khiến khung thành nơi thì có thanh chéo, nơi thì không (vì đã có 2 cột đứng phía sau như 1 phần của hệ thống tạo ổn định):
Nhưng như chúng ta đã biết, cái thanh chéo này cũng gây ra những tranh cãi:
Video: Bàn thắng “hụt” trong trận Kazakhstan – Lithuania.
Vậy thì giải pháp nào cho vấn đề này?
Trước tiên, việc đóng cố định 2 cột dọc xuống sân giống sân 11 để không cần dùng hệ thống tạo ổn định không khả thi.
Trong futsal, cầu thủ dễ va chạm với cột dọc nên nếu cột dọc được cố định, khi va vào cơ thể phải chịu lực mạnh hơn cũng gây nguy hiểm. Đó là lý do ở đầu bài viết có đề cập đến điều luật cầu môn phải có hệ thống tạo ổn định nhằm đảm bảo nó không dễ bị đổ nhưng có thể bị dịch chuyển một cách hợp lý khi cầu thủ va vào để hạn chế chấn thương cho họ.
Chưa kể đến việc, nhà thi đấu có thể không chỉ dùng cho futsal mà còn cho các môn thể thao (bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông…) và sự kiện khác (văn hóa, giải trí…).
Vì vậy, theo mình, có 2 cách để giải quyết vấn đề.
– Giải pháp thứ nhất, dành cho các cơ quan quản lý: Đổi thiết kế khung thành để làm sao vẫn có hệ thống tạo ổn định tránh tình trạng cầu môn dễ bị gãy đổ nhưng không hình thành những cột đứng/thanh chắn có thể khiến bóng dội ngược ra khi đang bay vào trong.
Phía dưới là khung thành không có thanh chéo trông khá lý tưởng tại vòng loại giải futsal châu Âu 2022. Cột đứng phía sau được đặt ra xa, tách rời khỏi lưới. Như vậy, nếu lưới có độ căng phù hợp thì khi bay vào lưới, bóng sẽ không trúng cột đứng này hoặc có trúng thì cũng không tạo đủ lực để quả bóng bật ngược ra ngoài:
– Cách thứ hai, dành cho người chơi và người xem, cũng là cách từ nay mình chọn: Makeno. Tức là, mặc kệ nó đi. Là người chơi, người xem, mình không thể kiểm soát được những thứ mà nhà tổ chức sử dụng. Mình không thể quyết định những yếu tố bên ngoài, nhưng luôn có thể quyết định những gì diễn ra bên trong bản thân mình.
Khung thành dùng cột sau hay dùng thanh chéo cũng được. Thanh chéo dài/ngắn, dày/mỏng, đặt cao/thấp/gần/xa thế nào cũng được. Bóng trúng thanh chắn/cột sau bật ra ngoài được công nhận thì tốt, không được thì làm lại, sút lại tới khi nào được công nhận thì thôi, đâu có chi phải lăn tăn.
Nhất là khi, tại giải ngoại hạng Anh, cúp C1, rồi Euro, World Cup… trong bóng đá sân 11, dù luật và công nghệ được cập nhật cải tiến hàng năm, dù ngày nay có hàng loạt máy quay và hệ thống chiếu chậm hiện đại phục vụ công nghệ VAR thì tranh cãi vẫn xảy ra:
Như vậy, dù có thay đổi thiết kế khung thành, không có gì đảm bảo là sẽ không còn xảy ra tranh cãi ở một môn chơi có tốc độ trận đấu cực nhanh mà các cầu thủ thì có thể tung ra những cú sút căng như búa bổ.
Thế nên, thay vì quan tâm đến những thứ mình không thể kiểm soát như thanh chắn, công nghệ, trọng tài…, mình sẽ chỉ tập trung vào việc tận hưởng trận đấu, tận hưởng những cảm xúc mà các cầu thủ futsal Việt Nam mang lại.
Chẳng có thanh chắn nào cản được cú sút của Khổng Đình Hùng vào lưới Brazil và đặc biệt là bàn thắng kinh điển của Văn Hiếu vào lưới Panama cả:
Video: Cú đặt lòng tung lưới Brazil của Khổng Đình Hùng.
Video: Pha solo tuyệt đẹp của Nguyễn Văn Hiếu trước Panama.
Các cầu thủ không thể thay đổi thanh chéo, cũng không thể thay đổi quyết định của trọng tài hay cách sử dụng cầu môn của các Liên đoàn bóng đá, nhưng họ luôn có thể nỗ lực cải thiện chuyên môn để nếu có thanh chắn, họ không sút vào đó, hoặc đá vào thanh chắn làm sao cho bóng dội vào trong chứ không bật ra ngoài là được thôi phải không?
Nói vui một chút thì, trong pha solo lịch sử của Văn Hiếu, trước khi chạm lưới, bóng cũng trúng thanh chéo đó dội vào lưới mà. Một cái thanh chắn bé tẹo làm sao ngăn cản được một Văn Hiếu đầy tài năng ghi bàn ở tình huống này 😀
Vậy nên, mình sẽ không trách cái thanh chéo nữa. Tại sao lại trách nó rồi đòi bỏ nó đi, khi nó được sinh ra chỉ để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình?
Xin lỗi mày nhiều nhé, thanh chéo!